
Chiến lược phát triển lực lượng điều dưỡng và hộ sinh của WHO giai đoạn 2021-2025 đã chỉ ra: “Đầu tư cho giáo dục các lãnh đạo điều dưỡng và các nhà giáo dục điều dưỡng là ưu tiên số một, để đảm bảo rằng họ có các trình độ tương đồng với nhau để cùng nhau gánh vác các nhiệm vụ chung trong đào tạo đáp ứng với các xu hướng di cư điều dưỡng do tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng toàn cầu (theo dự đoán đến năm 2030 thiếu khoảng 18 triệu nhân lực điều dưỡng để bổ sung vào lực lượng lao động toàn cầu)”.

Bên cạnh đó, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã ký khung thoả thuận công nhận lẫn nhau về điều dưỡng trong khối Asean năm 2007. Chính vì vậy công tác nâng cao trình độ ngoại ngữ và trình độ chuyên môn cho cán bộ giảng dạy ngành điều dưỡng của Trường Đại học Y Dược Thái Bình nói riêng và trên cả nước nói chung là điều tất yếu. Được sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, chi uỷ và lãnh đạo Khoa Điều dưỡng, đến nay 100% giảng viên của Khoa đã có trình độ sau đại học. Năm 2024, có 01 cán bộ của Khoa đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Điều dưỡng tại Philippine. Tiếp nối thành công đó, ngày 16/01/2025, trước thềm xuân mới Khoa Điều dưỡng đã đón nhận tin vui đặc biệt khi có thêm một cán bộ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Điều dưỡng tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Thành công này đã nâng cao tỷ lệ phần trăm giảng viên có trình độ Tiến sĩ và tương đương của Khoa Điều dưỡng lên 30,8%. Hầu hết các giảng viên của Khoa có trình độ ngoại ngữ đủ để đáp ứng tốt nhiệm vụ đào tạo và hướng dẫn sinh viên trong các chương trình hợp tác quốc tế. Giảng viên của Khoa đã tự tin tham gia báo cáo trực tiếp và poster bằng tiếng anh tại các hội thảo khoa học chuyên ngành và hội nghị giáo dục y khoa toàn quốc. Nhiều giảng viên của Khoa là tác giả số 1, số 2 đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học tại các tạp chí quốc tế uy tín. Đó là bước tiến vượt bậc trong công tác nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của các giảng viên Khoa Điều dưỡng nhằm đáp ứng với xu hướng hội nhập quốc tế của ngành.
Đổi mới phương pháp giảng dạy và lượng giá
Đổi mới phương pháp giảng dạy và lượng giá theo hướng tích hợp dựa trên các chuẩn năng lực đào tạo của người học đáp ứng với chuẩn năng lực cơ bản đầu ra, phù hợp với chuẩn năng lực của điều dưỡng Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban chi uỷ đã chỉ đạo đến các đảng viên và giảng viên trong Khoa. Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm áp dụng các phương pháp giảng dạy mới trong giảng dạy lý thuyết và thực hành để mang lại hiệu quả cho người học đã và đang được áp dụng trong Khoa Điều dưỡng. Thể hiện trong đề cương, kế hoạch bài giảng trong các môn học với đa dạng các phương pháp giảng dạy mới và hiệu quả được cập nhật thường xuyên, liên tục hằng năm. Về lượng giá, 100% các học phần lý thuyết được đánh giá thông qua test trắc nghiệm khách quan MCQ đảm bảo bao phủ được mục tiêu môn học, mục tiêu của học phần và chương trình đào tạo. Một phần quan trọng trong chương trình giảng dạy của Khoa là học phần thực hành được áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy như SBL, TBL, sử dụng bảng kiểm dạy học và lượng giá tất cả BK đã được thống nhất bởi các giảng viên trong khoa và đã được kiểm định đảm bảo tính đồng nhất công bằng giữa các sinh viên thông quan các đề tài nghiên cứu của Khoa. Khoa Điều dưỡng cũng đã tiến hành kỳ thi thử tốt nghiệp theo hình thức OSCE (Kỳ thi lâm sàng theo cấu trúc khách quan), một hình thức thi đã chứng minh rất phù hợp trong lượng giá lâm sàng trong đó các thành phần của năng lực được đánh giá có kế hoạch, có cấu trúc, chú ý đến tính khách quan của bài kiểm tra. Qua khảo sát sơ bộ trên 21 sinh viên Điều dưỡng chính quy của Khoa và các giám khảo tham gia kỳ thi nhận được phản hồi rất tốt về cách thức tổ chức, tính giá trị và tin cậy của phương pháp thi này. Hơn nữa phương pháp thi này đáp ứng được lượng giá năng lực của sinh viên điều dưỡng khi thực hiện một quy trình điều dưỡng theo từng bước gắn liền với các tình huống thực tế trên lâm sàng.
Đổi mới chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo của Khoa không chỉ được xây dựng dựa theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế mà hàng năm còn được đối sánh với chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng (CNĐD) trong nước và quốc tế để điều chỉnh và đáp ứng với nhu cầu xã hội cũng như thay đổi về tình hình bệnh tật và già hoá dân số. Chương trình đào tạo CNĐD của Khoa luôn liên tục được đổi mới. Bên cạnh việc chú trọng đào tạo các cán bộ điều dưỡng có đủ năng lực làm việc trong các bệnh viện công lập, chương trình còn chú trọng về các vấn đề như điều dưỡng cộng đồng, điều dưỡng lão khoa nhằm trang bị cho sinh viên điều dưỡng những kiến thức và năng lực trong các lĩnh vực này, đáp ứng với xu hướng thay đổi mô hình bệnh tật và vấn đề già hoá dân số, đặc biệt là vấn đề phòng bệnh, nâng cao năng lực tự chăm sóc mang lại sự độc lập cho các đối tượng người bệnh mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm và người cao tuổi.

Trong học kỳ 1 năm học 2024-2025, nhiều môn học mới sẽ được đưa vào chương trình đào tạo như Điều dưỡng lão khoa, đây là một môn học mới trong chương trình đào tạo CNĐD tại Việt Nam, lần đầu tiên được thí điểm đưa vào giảng dạy tại trường Đại học Y Dược Thái Bình, sau đó sẽ được nhân rộng ra tại các trường đào tạo điều dưỡng trong nước dưới sự hỗ trợ của Viện công nghệ Kanagawa, Nhật Bản – nơi có kinh nghiệm giảng dạy lâu dài trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Không những vậy, giảng viên của Khoa cũng đã và đang tham gia các khoá tập huấn về các môn học mới trong đó có môn học giáo dục liên ngành IPE chuẩn bị đưa vào chương trình đào tạo năm học tới. Môn học nhằm trang bị cho sinh viên các ngành về năng lực làm việc nhóm, tôn trọng vai trò của nhau trong nhóm liên ngành. Thể hiện các năng lực thực hành chuyên ngiệp trong tương lai.


Để đáp ứng xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế trong ngành điều dưỡng, cán bộ giảng viên Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Thái Bình luôn không ngừng nâng cao năng lưc bản thân, đổi mới phương pháp giảng dạy và lượng giá, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp để đào tạo các cử nhân điều dưỡng toàn cầu đáp ứng các chuẩn năng lực điều dưỡng của Việt Nam, của khu vực và quốc tế.
