Bệnh đau rát hậu môn là gì?
Đau rát hậu môn hay nóng rát hậu môn là tình trạng đau trong và xung quanh vùng hậu môn hoặc trực tràng, có nhiều mức độ từ nhẹ, đau không liên tục, đau âm ỉ đến đau nặng, đau liên tục, đau quặn từng cơn. Bệnh nhân có thể thấy đau trước, trong hoặc sau khi đi vệ sinh, có hoặc không kèm theo các triệu chứng như chảy máu, sưng hậu môn hoặc có vết loét, vết nứt ở vùng hậu môn, làm hạn chế và gián đoạn các hoạt động thường ngày.
Nguyên nhân gây ra đau rát hậu môn
Hậu môn đau rát có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày hoặc bắt nguồn từ các bệnh lý hậu môn, trực tràng. Một số nguyên nhân phổ biến gây đau rát hậu môn gồm có:
Đau rát hậu môn do thói quen sinh hoạt hàng ngày
- Vệ sinh không đúng cách: hậu môn không được vệ sinh đúng cách có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn từ phân tích tụ và gây kích ứng, viêm nhiễm, ngứa, đau rát.
- Mặc trang phục bó sát có thể làm chèn ép, gây ra những vết hằn trên da, khi hoạt động gây cọ xát, xước da, khi có mồ hôi tiết ra có thể gây đau rát, ngứa ngáy vùng hậu môn
- Quan hệ tình dục qua hậu môn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục gồm sùi mào gà, mụn cóc sinh dục,… gây ra các triệu chứng nóng rát, ngứa, có thể dẫn đến chảy máu, mủ hậu môn.
Đau rát hậu môn do các bệnh lý hậu môn, trực tràng
- Táo bón: là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau tức hậu môn, đặc biệt là những người thường xuyên bị táo bón. Giãn tĩnh mạch vùng hậu môn do phân cứng khó thoát ra khỏi hậu môn khi rặn gây đau rát, có thể gây chảy máu nếu tình trạng này kéo dài.
- Trĩ: các búi trĩ hình thành bên trong hoặc bên ngoài hậu môn do sự căng giãn quá mức của đám tĩnh mạch vùng hậu môn, gây ra các triệu chứng bao gồm nóng rát, sưng tấy quanh lỗ hậu môn, ngứa hoặc chảy máu hậu môn, khiến cho việc đi ngoài gặp nhiều khó khăn. Người bệnh có thể cảm thấy đau thốn vùng hậu môn đặc biệt khi vận động mạnh, hoặc ngồi lâu khiến các búi trĩ bị va đập hoặc chèn ép gây đau.
- Nứt kẽ hậu môn: là tình trạng hậu môn xuất hiện vết nứt hoặc vết rách thẳng gây đau rát, đặc biệt đau khi đại tiện, có thể gây chảy máu kèm phân, nguyên nhân bắt nguồn từ táo bón hoặc ở phụ nữ sau khi sinh con.
- Áp xe hậu môn, rò hậu môn: với biểu hiện là vùng niêm mạc, vùng xa xung quanh hậu môn xuất hiện các ổ mủ do nhiễm trùng cấp tính, các ổ mủ vỡ gây các biến chứng như rò hậu môn, gây ra cảm giác nóng rát vùng hậu môn kèm theo sưng nề, chảy dịch mủ, chảy máu.
- Cơ trực tràng co thắt, sa trực tràng: do táo bón, do quan hệ đường hậu môn hoặc do các nguyên nhân khác, cơn đau kéo dài trong vài phút, đau nặng hơn khi ngồi, ngoài ra bệnh nhân có thể gặp một số tình trạng khác như rò phân, hậu môn sưng cục.
- Ung thư hậu môn, trực tràng: gây đau rát đi kèm một số triệu chứng như sút cân, đi ngoài ra máu, thói quen đại tiện thay đổi.
- Một số nguyên nhân khác có thể gây nóng rát, đau thốn vùng hậu môn như viêm hậu môn, viêm niêm mạc trực tràng hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài.
Xem thêm: Bệnh ngứa hậu môn: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị
Trường hợp có thể bị đau rát hậu môn
- Đau rát hậu môn sau sinh: do sự thay đổi nội tiết tố, thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt, phụ nữ sau sinh thường gặp tình trạng táo bón gây ra hiện tượng phân khô cứng khó đẩy ra ngoài, rặn nhiều làm tăng áp lực trực tràng, có thể dẫn đến các vết nứt, vết rách hậu môn, gây chảy máu khi đại tiện. Bên cạnh đó, hậu môn co thắt đột ngột trong quá trình sinh nở cũng có thể gây nứt kẽ, đau rát hậu môn.
- Đau rát hậu môn khi ngồi: là một vấn đề phổ biến và có thể gặp ở mọi đối tượng, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra: do chấn thương ở hậu môn hoặc xung quanh hậu môn, làm các cơ, xương, dây thần kinh quanh hậu môn bị tổn thương gây đau; do viêm hậu môn, nứt kẽ hậu môn hoặc áp xe, chảy mủ vùng hậu môn.
- Hậu môn bị đau rát sau mổ trĩ: là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân thực hiện cắt trĩ bằng các phương pháp truyền thống, do búi trĩ được cắt không triệt để, hoặc do bệnh nhân sau mổ vệ sinh không đúng cách làm nặng tình trạng viêm gây đau buốt vùng hậu môn, hoặc do vết thương bị nhiễm trùng do miệng vết cắt lớn. Ngoài ra, hậu môn nóng rát sau mổ trĩ có thể do sự tác động của các tia hồng ngoại hoặc dụng cụ trong phẫu thuật gây tổn thương các mô lân cận, làm hậu môn sưng nề gây đau.
- Hậu môn đau rát khi quan hệ: niêm mạc hậu môn tương đối nhạy cảm, trường hợp quan hệ không đúng cách có thể gây ra những tổn thương vùng hậu môn, gây rách hoặc nứt, từ đó gây cảm giác đau rát sau quan hệ.
- Đau rát hậu môn sau khi đại tiện gây chảy máu: hay gặp ở bệnh nhân bị táo bón kéo dài, phân khô cứng, ngồi lâu khi đi đại tiện, có thể gây giãn tĩnh mạch hậu môn khi rặn, gây đau rát, phân có kèm máu.
Cách chữa đau rát hậu môn an toàn – hiệu quả
Đau rát hậu môn do các nguyên nhân khác nhau có thể được khắc phục bằng nhiều biện pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc khác nhau:
Một số thuốc bôi chữa đau rát hậu môn
- Kem bôi Hemopropin: với thành phần chính là mỡ, lanolin, keo ong, cồn,…tương đối lành tính và an toàn, dùng bôi ngoài da để làm dịu nhanh các triệu chứng ngứa, đau rát do trĩ gây ra, giúp làm trơn ống hậu môn, tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc khỏi các tác nhân gây viêm hậu môn, đồng thời giúp giảm đau rát khi đi đại tiện.
- Kem bôi Titanoreine chứa kẽm oxit, titan oxit có khả năng làm se khít, kháng khuẩn đồng thời chứa thành phần Lidocain có tác dụng gây tê tại chỗ, làm giảm nóng rát ở bệnh nhân có nứt kẽ hậu môn, giúp làm se búi trĩ hiệu quả.
- Preparation H dạng kem, dạng mỡ có nguồn gốc từ Mỹ, chứa Phenylephrine HCl giúp làm co mạch, co búi trĩ, , dùng thoa ngoài cho bệnh nhân mắc trĩ nội, trĩ ngoại, giúp cải thiện tình trạng chảy máu khi đi ngoài, đau rát hậu môn, giúp dưỡng ẩm, làm mềm, có tác dụng tạo lớp màng bảo vệ giúp vết thương chóng lành.
- Hemoclin Gel với thành phần chính là dịch chiết từ cây lô hội, có nguồn gốc tự nhiên, chứng minh được hiệu quả trong điều trị các triệu chứng khó chịu, bỏng rát hậu môn, hỗ trợ làm lành vết thương tự nhiên, giảm kích ứng, bỏng rát, nhạy cảm vùng hậu môn, ngoài ra còn dùng trong dự phòng bệnh trĩ.
- Cotripro Gel được biết đến với thành phần được chiết xuất hoàn toàn từ tự nhiên gồm cao Cúc tần, cao Ngải cứu, cao Lá lốt, cao Lá sung, hỗ trợ làm dịu và săn se niêm mạc hậu môn, hỗ trợ làm co búi trĩ và làm dịu nóng rát, giảm sưng viêm, phù nề hoặc tình trạng mụn nhọt, rò hoặc nứt kẽ hậu môn, giảm đau buốt khi đi đại tiện.
- Một số thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân gặp tình trạng đau rát hậu môn như: Proctolog, kem bôi trĩ chữ A, Proctolog.
Cách chữa đau rát hậu môn tại nhà
- Chườm ấm: Có thể sử dụng các túi trà ngâm cùng nước nóng, thành phần tanin có trong trà được làm ấm có tác dụng làm giảm sưng búi trĩ, hỗ trợ làm giảm đau, làm dịu tổn thương vùng hậu môn, đồng thời kích thích đông máu, hạn chế chảy máu vùng hậu môn hiệu quả.
- Vệ sinh bằng nước ấm: được bác sĩ khuyên dùng, nước không nên quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây kích thích vùng hậu môn bị đau, ngâm toàn bộ phần hậu môn vào nước ấm trong khoảng 15 phút, sau đó thấm khô bằng khăn mềm và sạch, tránh lau quá mạnh có thể gây xước hoặc làm nặng thêm cơn đau rát.
- Chườm lạnh: có tác dụng cải thiện tình trạng sưng phồng mạch máu gây đau đớn ở bệnh nhân bệnh trĩ do đá làm thu nhỏ các mạch máu. Thực hiện như sau: để đá đông cứng hoàn toàn, bọc vào khăn hoặc một tấm vải sạch, không để đá trực tiếp lên hậu môn sưng đau, chườm trong khoảng 5 phút sau đó lấy ra, dừng 10 phút sau đó tiếp tục, không chườm liên tục trong thời gian dài.
- Đắp hậu môn bằng rau diếp cá: là loài thực vật lành tính, có tính kháng khuẩn và làm săn se, hạn chế viêm nhiễm hậu môn để làm giảm tình trạng đau rát hậu môn, bệnh nhân có thể giã lá diếp cá, đắp lên vùng hậu môn khoảng 20 phút và vệ sinh lại bằng nước sạch.
- Nghỉ ngơi, hạn chế đi lại khi có dấu hiệu đau rát, đau buốt, không nên di chuyển quá nhiều, hạn chế ngồi ghế để làm giảm áp lực lên hậu môn, bệnh nhân nên nằm nghỉ đến khi cơn đau thuyên giảm, kết hợp với các biện pháp dùng thuốc hoặc chườm.
- Thay đổi chế độ vận động: việc ngồi lâu có thể khiến tình trạng đau rát hậu môn nặng hơn, do đó bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, đi bộ quanh nơi làm việc để chức năng ruột hoạt động thuận lợi, tránh gia tăng áp lực lên hậu môn khi ngồi trong thời gian dài.
- Thay đổi chế độ ăn uống: bệnh nhân bị đau rát vùng hậu môn nên cân bằng chế độ ăn hợp lý, tăng cường ăn rau củ, các thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung vitamin, ăn nhiều hoa quả, các loại ngũ cốc và thực phẩm mềm. Bệnh nhân nên hạn chế ăn các đồ ăn cay nóng, dầu mỡ khó tiêu hóa, kết hợp uống nhiều nước để hạn chế tình trạng táo bón.
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ, không nên sử dụng xà phòng hoặc các chế phẩm chứa cồn, dùng khăn bông mềm để lau khô sau mỗi lần vệ sinh, chú ý đi đại tiện khi có nhu cầu để hạn chế tình trạng táo bón. Ngoài ra, người bệnh nên chú ý sử dụng giấy vệ sinh mềm, không mùi để hạn chế đau khi đi ngoài, hạn chế kích ứng vùng hậu môn.
Tham khảo: Bệnh trĩ nội: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách chữa và Phòng tránh
Cách giảm đau rát hậu môn khi đi ngoài
Tình trạng đau rát hậu môn khi đi ngoài có thể được cải thiện khi bệnh nhân áp dụng các biện pháp dưới đây:
- Chườm lạnh với đá.
- Ngâm nước ấm và vệ sinh vùng hậu môn sau khi đi ngoài.
- Thoa dầu dừa: chất béo và các thành phần dưỡng ẩm trong dầu dừa giúp giữ ẩm, bảo vệ vùng niêm mạc hậu môn, giúp làm trơn và hỗ trợ làm dịu cơn đau hậu môn sau khi bệnh nhân đi ngoài.
- Đắp hoặc xông hơi vùng hậu môn bằng lá diếp cá: lá diếp cá sau khi rửa sạch có thể đun với nước muối loãng, sau đó dùng xông hơi hậu môn để giảm đau, làm dịu vết thương, dịu các vết nứt hậu môn, giúp vết thương chóng lành.
- Thoa thuốc sau khi đi ngoài: bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc bôi giảm đau rát hậu môn được chỉ dẫn bởi bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn.